ecommerce là gì

Ecommerce Platform Là Gì?

Bạn đã bao giờ nghĩ về việc mở một shop online, biến ý tưởng kinh doanh thành hiện thực mà không cần đau đầu lo code hay kỹ thuật chưa? Ecommerce platform chính là câu trả lời mà bạn đang tìm kiếm! Nhưng Ecommerce platform là gì? Nó có thể giúp bạn như thế nào? Và Ecommerce platform nào mới là “chân ái” cho bạn? Bài viết này sẽ bật mí tất tần tật để bạn chọn được “người đồng hành” ưng ý nhất cho hành trình bán hàng online của mình!

Ecommerce platform là gì?

ecommerce platform là gì

Nói một cách dễ hiểu, ecommerce platform là một nền tảng mà bạn dùng để xây dựng và quản lý một cửa hàng trực tuyến. Nó giống như một “mảnh đất ảo” trên internet, nơi bạn có thể mở shop, trưng bày sản phẩm, cho khách xem hàng, thêm vào giỏ, và thanh toán – tất cả đều online.

Cái hay của mấy nền tảng này là nó giúp bạn tiết kiệm thời gian và công sức. Thay vì phải tự lập website từ A-Z, lo code, lo server, lo hệ thống thanh toán, thì ecommerce platform cung cấp sẵn một bộ khung cho bạn. Bạn chỉ cần đăng ký, chọn giao diện (template), up sản phẩm lên, thêm mô tả, giá tiền, rồi bắt đầu bán. Nhiều nền tảng còn tích hợp sẵn các công cụ như quản lý đơn hàng, theo dõi tồn kho, thậm chí cả chạy quảng cáo để kéo khách về shop nữa.

Ví dụ nhé, nếu bạn bán quần áo, thay vì phải thuê mặt bằng, bạn lên Shopify, tạo một gian hàng online, chụp hình sản phẩm đăng lên, khách thích thì đặt mua, bạn ship hàng – xong! Hoặc nếu muốn bán trên Shopee, bạn chỉ cần tạo tài khoản seller, đăng sản phẩm, và để Shopee lo phần thu hút traffic (lượng người xem).

Tóm lại, ecommerce platform là “người bạn đồng hành” giúp bạn biến ý tưởng kinh doanh thành hiện thực trên mạng, không cần biết nhiều về công nghệ vẫn làm được. Bạn cứ hình dung nó như một cái chợ online, mà bạn là người bán, còn nền tảng là ban quản lý chợ lo hết mấy việc hậu cần cho bạn.

Có những loại Ecommerce Platform nào phổ biến?

1. SaaS (Phần mềm dưới dạng dịch vụ)

saas ecommerce platform

Đây là loại nền tảng “dễ xài nhất” cho người mới bắt đầu. SaaS là viết tắt của Software as a Service, nghĩa là bạn thuê một nền tảng đã được dựng sẵn, chỉ việc đăng ký, trả phí (thường là phí tháng), rồi bắt đầu bán hàng luôn.

Giống như bạn thuê một gian hàng trong trung tâm thương mại vậy. Mọi thứ như quầy kệ, điện nước, bảo vệ (tức là hệ thống, server, bảo mật) đều được bên cho thuê lo hết. Bạn chỉ cần mang sản phẩm đến bày bán.

Ví dụ: Shopify, Wix, BigCommerce, hay ở Việt Nam thì có Haravan, KiotViet. Nếu bạn đang kinh doanh Print on Demand, Merchize cũng mang đến dịch vụ Storefront cho phép bạn dễ dàng tạo lập một website bán hàng print on demand được tích hợp trực tiếp với hệ thống hoàn thiện đơn (fulfillment) của Merchize.

  • Ưu điểm: Dễ dùng, không cần biết code, có đội ngũ hỗ trợ (support) nếu bạn gặp vấn đề. Nhiều nền tảng còn tích hợp sẵn tính năng như thanh toán, quản lý đơn hàng, thậm chí cả chạy quảng cáo.
  • Nhược điểm: Bạn phải trả phí đều đặn, và đôi khi bị giới hạn tùy chỉnh – muốn làm gì “độc lạ” quá thì hơi khó.

Phù hợp với ai? Người mới, shop nhỏ, hoặc ai muốn nhanh chóng có gian hàng mà không mệt đầu với kỹ thuật.

2. Mã nguồn mở (Open Source)

open source ecommerce platforms

Nghe tên là thấy “mở” rồi đúng không? Đúng vậy, mã nguồn mở là loại nền tảng mà bạn được cung cấp mã code miễn phí, tải về và tự xây dựng cửa hàng theo ý mình.

Giống như bạn được cho bản thiết kế nhà, nguyên vật liệu, nhưng bạn phải tự xây hoặc thuê thợ làm. Muốn nhà trông ra sao là tùy bạn, miễn là có sức chỉnh sửa.

Ví dụ: WooCommerce (dùng với WordPress), Magento, OpenCart.

  • Ưu điểm: Miễn phí tải về, linh hoạt cực kỳ, bạn có thể tùy chỉnh giao diện, tính năng theo ý thích. Muốn thêm gì, bớt gì cũng được, miễn là bạn (hoặc đội dev) biết cách “vọc”.
  • Nhược điểm: Cần biết chút kỹ thuật hoặc thuê người làm, cộng thêm chi phí hosting (chỗ lưu website), bảo trì, bảo mật – tất cả đều do bạn tự lo!

Phù hợp với ai? Dân trong ngành có kinh nghiệm, shop vừa và lớn muốn tự do sáng tạo, không phụ thuộc vào bên thứ ba.

3. Giải pháp được xây dựng tùy chỉnh (Custom-built Solutions)

custom build ecommerce platform

Đây là loại “xịn sò” nhất, nhưng cũng “nặng đô” nhất. Giải pháp tùy chỉnh là khi bạn (hoặc công ty bạn) thuê một đội lập trình viên xây dựng một website bán hàng từ số 0, đúng theo mọi yêu cầu của bạn. Như bạn tự thiết kế và xây một căn nhà riêng, không giống ai, từ kiểu dáng đến nội thất đều là hàng đặt riêng.

  • Ưu điểm: Hoàn toàn kiểm soát, muốn thêm tính năng gì cũng được, tối ưu hóa đúng nhu cầu kinh doanh. Chẳng hạn, bạn muốn hệ thống tự động gửi tin nhắn cho khách sau 3 ngày nhận hàng? Làm được hết!
  • Nhược điểm: Đắt đỏ (có thể tốn hàng trăm triệu hoặc hơn), mất nhiều thời gian, và cần đội ngũ duy trì lâu dài.

Phù hợp với ai? Doanh nghiệp lớn, có ngân sách khủng, cần một hệ thống “độc quyền” để cạnh tranh hoặc phục vụ nhu cầu đặc thù.

Tóm lại:

  • SaaS: Thuê gian hàng sẵn, nhanh gọn, dễ dùng.
  • Mã nguồn mở: Tự xây nhà, linh hoạt nhưng cần biết chút “thợ xây”.
  • Tùy chỉnh: Đặt làm nhà riêng, xịn nhưng tốn kém.

Tùy vào túi tiền, mục tiêu kinh doanh, và mức độ rành công nghệ của bạn mà chọn loại phù hợp. Nếu mới bắt đầu, bạn nên thử SaaS trước cho dễ “vào nghề”.

Những tính năng cơ bản của một Ecommerce Platform

Quản lý sản phẩm

Một website bán hàng thì không thể thiếu tính năng quản lý sản phẩm. Người bán sẽ cần công cụ để có thể thêm, sửa, xóa, điều chỉnh sản phẩm cũng như quản lý số lượng tôn kho, tạo nội dung mô tả, cũng như thêm các tính năng tìm kiếm, lọc sản phẩm để khách hàng dễ xem và tìm kiếm sản phẩm.

Đây đều là những tính năng cơ bản mà một nền tảng bán hàng cần phải có.

Giỏ hàng và thanh toán

Một website bán hàng hoàn thiện sẽ không chỉ dừng lại ở việc cho phép khách hàng có thể xem và tìm kiếm sản phẩm. Người mua còn có thể thực hiện mua hàng và thanh toán ngay trên website, hoặc thêm sản phẩm vào giỏ hàng trước khi quyết định có mua hay không. Đây cũng là một phần tính năng cơ bản một ecommerce platform cần phải có.

Ngoài ra, các ecommerce platform cũng cho phép bạn có thể tích hợp các cổng thanh toán để việc mua sắm và thanh toán diễn ra mượt mà, nhanh chóng hơn.

Nếu bạn bán hàng quốc tế, chọn nền tảng hỗ trợ đa tiền tệ (USD, VND) và cổng thanh toán phổ biến như PayPal, Stripe. Còn bán ở Việt Nam, đừng quên tích hợp ship COD – khách Việt mê lắm!

Quản lý đơn hàng

Quản lý đơn là một bước quan trọng trong quá trình vận hành một cửa hàng online. Khi đơn hàng bắt đầu đổ về, bạn cần biết đơn nào đã thanh toán, đơn nào đang ship, đơn nào bị hủy. Các ecommerce platform sẽ giúp bạn ghi nhận đơn hàng mới, cho phép kiểm tra đỉa chỉ, cập nhật trạng thái giao hàng, vân vân.

Ngoài ra, nếu như bạn đang sử dụng dịch

vụ hoàn tất đơn hàng từ bên thứ ba, bạn cũng có thể tích hợp từ nền tảng đến hệ thống của đơn vị cung cấp dịch vụ hoàn tất đơn hàng để tự động hóa quy trình fulfillment.

Tùy chỉnh giao diện

Tương tự như việc đi thuê cửa hàng, sau khi đã chọn được địa điểm, người thuê có thể trang trí cửa hàng theo ý muốn. Việc mở cửa hàng online cũng tương tự. Sau khi đã chọn được một nền tảng ecommerce, chủ cửa hàng có thể tùy chỉnh thay đổi giao diện của cho cửa hàng. Tuy nhiên, từng nền tảng sẽ có những yêu cầu và giới hạn khác nhau về việc bạn có thể thay đổi những gì trong cửa hàng.

Công cụ phân tích và báo cáo

Để có thể đánh giá một cách chính xác hiệu quả vận hành của cửa hàng, bạn sẽ cần nắm được những dữ liệu về cửa hàng, như tổng doanh thu, số lượng khách đến cửa hàng, những sản phẩm mà họ đã xem, thời gian ở lại cửa hàng, hay khách hàng đến từ nguồn nào, vân vân.

Các nền tảng ecommerce cũng sẽ cung cấp cho bạn những công dụ phân tích và báo cáo cung cấp những thông tin và insight về hành vi khách hàng cũng như hiệu quả kinh doanh của cửa hàng.

Công cụ để thu hút khách hàng

Để có thể thu hút thêm nhiều khách hàng đến cửa hàng, việc quảng bá và truyền thông là rất quan trọng. Các ecommerce platform có thể hỗ trợ chủ cửa hàng thúc đẩy các hiệu quả marketing bằng việc cung cấp các công cụ hỗ trợ những tác vụ liên quan đến SEO, email, chạy quảng cáo, vân vân.

Tiêu chí để chọn Ecommerce Platform phù hợp

Quy mô và loại hình kinh doanh

Một shop cá nhân bán vài chục đơn/ngày chỉ cần hệ thống đơn giản, dễ dùng. Nhưng một doanh nghiệp lớn với hàng nghìn đơn, chuỗi kho bãi, lại cần nền tảng phức tạp, tích hợp sâu để quản lý hiệu quả. Quy mô càng lớn, yêu cầu về tính năng càng cao.

Cá nhân/Shop nhỏ (Small Business, Freelancer, Startup): Doanh thu thấp (vài triệu đến vài chục triệu/tháng), đội ngũ 1-3 người, thường bán lẻ (retail) hoặc dropshipping, chưa cần quản lý phức tạp. Với các doanh nghiệp cá nhân, nhỏ, tiêu chí lựa chọn chính là:

  • Dễ sử dụng (không cần IT).
  • Chi phí ban đầu thấp (dưới 1 triệu/tháng).
  • Tích hợp thanh toán, vận chuyển cơ bản (COD, ví điện tử).
  • Theme sẵn, responsive cho mobile.

Nền tảng gợi ý:

  • Shopify: Dễ dùng, giao diện đẹp, tích hợp sẵn thanh toán, vận chuyển. Phí từ $29/tháng.
  • Haravan (Việt Nam): Hỗ trợ COD, tích hợp ship nội địa, phù hợp bán lẻ tại Việt Nam, giá từ 250k/tháng.
  • WooCommerce (Open Source): Miễn phí ban đầu, dùng với WordPress, chi phí hosting từ 200k/tháng.

Doanh nghiệp vừa (Medium-sized Business): Doanh thu vài trăm triệu/tháng, đội ngũ 5-20 người, bán lẻ hoặc B2B, cần quản lý kho, đơn hàng, và tùy chỉnh vừa phải.

Với doanh nghiệp quy mô vừa, các tiêu chí khi lựa chọn nền tảng sẽ mở rộng hơn:

  • Xử lý 500-1000 đơn/ngày.
  • Tùy chỉnh giao diện/tính năng ở mức trung (thêm nút, đổi bố cục).
  • Tích hợp quản lý kho, CRM cơ bản.
  • Chi phí hợp lý (dưới 50 triệu ban đầu hoặc 5 triệu/tháng).

Nền tảng gợi ý:

  • Magento (Open Source): Mạnh mẽ, xử lý hàng nghìn đơn, tùy chỉnh cao, chi phí hosting + dev khoảng 5-20 triệu ban đầu. Linh hoạt, chịu tải tốt, phù hợp nếu có đội IT nhỏ hoặc thuê dev để tối ưu theo nhu cầu (như thêm báo cáo doanh thu riêng).
  • BigCommerce (SaaS): Tính năng đa dạng, hỗ trợ đa kênh (Amazon, eBay), phí từ $29.95/tháng. Dễ dùng hơn Magento, tích hợp bán đa kênh, hợp doanh nghiệp vừa muốn mở rộng mà không mệt đầu với code.
  • Shopify Plus: Dành cho doanh nghiệp vừa muốn giao diện đẹp, quản lý đơn giản, nhưng cũng dễ dàng scale, giá từ $2000/tháng.

Doanh nghiệp lớn (Large Enterprise): Doanh thu hàng tỷ/tháng, đội ngũ hàng chục người, bán B2B/B2C phức tạp, có chuỗi cung ứng, cần tích hợp ERP, CRM, kho bãi.

Các doanh nghiệp lớn sẽ có những yêu cầu cao hơn khi lựa chọn nền tảng ecommerce:

  • Xử lý hàng chục nghìn đơn/ngày, traffic lớn.
  • Tùy chỉnh 100% (giao diện, tính năng, quy trình).
  • Tích hợp sâu với ERP, CRM, hệ thống kho.
  • Đội ngũ IT nội bộ mạnh hoặc ngân sách thuê agency lớn.

Nền tảng gợi ý:

  • Custom-built Solutions: Xây từ đầu bằng framework như Laravel, React, chi phí từ 100 triệu đến hàng tỷ. Toàn quyền kiểm soát, xây đúng quy trình riêng (như tích hợp kho tự động, báo cáo realtime), hợp doanh nghiệp lớn muốn “độc quyền”.
  • Magento Enterprise (Adobe Commerce): Phiên bản trả phí của Magento, giá từ $22,000/năm, mạnh về scale và tùy chỉnh. Cân bằng giữa Open Source và dịch vụ cao cấp, chịu tải hàng chục nghìn đơn, phù hợp B2B/B2C lớn.
  • SAP Commerce Cloud: Dành cho doanh nghiệp siêu lớn, tích hợp sâu với hệ thống nội bộ, giá tùy chỉnh (hàng trăm triệu/năm). Dành cho “ông lớn” cần tích hợp toàn bộ hệ sinh thái (kho, tài chính, marketing).

Ngành hàng, mặt hàng

Mỗi ngành hàng có đặc thù riêng, từ cách hiển thị, quản lý, đến vận chuyển và trải nghiệm khách hàng. Ví dụ như, bán thời trang cần giao diện đẹp, nhiều ảnh; bán đồ điện tử cần mô tả chi tiết, thông số; bán thực phẩm tươi sống thì cần quản lý tồn kho chặt chẽ.

Nói đơn giản, ngành hàng/mặt hàng quyết định bạn cần tính năng gì, giao diện ra sao, và cách vận hành thế nào. Vì vậy cần phải lựa chọn được nền tảng phải hỗ trợ tốt và phù hợp với sản phẩm bạn bán.

  • Thời trang, mỹ phẩm: Chọn nền tảng mạnh về giao diện (Shopify, Wix) để khoe ảnh sản phẩm “lung linh”.
  • Đồ công nghệ, nội thất: Dùng Open Source (Magento) hoặc Custom-built để thêm tính năng như xem 3D, so sánh sản phẩm.
  • Dropshipping, Print on demand: Ưu tiên các nền tảng hỗ trợ tích hợp trực tiếp với các bên supplier, ví dụ như Merchize, Printful, Printify, giao diện tối ưu trải nghiệm mua sắm online, với chi phí vừa phải. Shopify và Woocommerce là hai lựa chọn hàng đầu cho ngành này.

Ngân sách

Tiền trong túi quyết định bạn chơi “sân” nào. SaaS có phí tháng cố định, Open Source tốn chi phí hosting/dev, còn Custom-built thì “đốt tiền” dữ dội. Đừng chọn cái vượt quá khả năng, nhưng cũng đừng ham rẻ mà hỏng việc.

  • Ngân sách thấp (vài triệu/tháng): Chọn SaaS như Shopify ($29/tháng) hoặc KiotViet (khoảng 6-10 triệu/năm).
  • Ngân sách vừa (10-50 triệu): Đi Open Source như WooCommerce – chi phí chủ yếu là hosting (200k-1 triệu/tháng) và thuê dev chỉnh sửa.
  • Ngân sách lớn (hàng trăm triệu): Đầu tư Custom-built để có hệ thống “xịn sò” từ đầu.

Tính cả chi phí ẩn như bảo trì, nâng cấp, đừng chỉ nhìn giá ban đầu mà “té ngửa” sau này.

Nhân lực

Bạn có đội IT trong tay hay chỉ tự “cày”? Nếu không rành công nghệ, chọn cái dễ dùng. Nếu có dev xịn, tận dụng để tối ưu nền tảng phức tạp hơn.

  • Một mình hoặc team non-tech: SaaS là lựa chọn an toàn (Shopify, Wix) – có support sẵn, không cần biết code. Nếu không có IT mà vẫn muốn Open Source, thuê freelancer hoặc agency hỗ trợ giai đoạn đầu.
  • Có team IT nhỏ: Open Source (WooCommerce, Magento) để tận dụng khả năng tùy chỉnh mà không quá phụ thuộc bên thứ ba.
  • Đội ngũ dev mạnh: Custom-built để phát huy hết sức mạnh nội bộ, xây hệ thống đúng ý.

Khả năng tùy chỉnh

– Với SaaS, tùy chỉnh giao diện thường rất đơn giản và thân thiện cho người mới. Bạn được cung cấp sẵn một loạt theme (mẫu giao diện) từ thư viện của nền tảng. Muốn thay đổi, bạn chỉ cần vào phần quản lý (dashboard), chọn theme, rồi kéo-thả hoặc chỉnh sửa cơ bản như đổi màu sắc, font chữ, logo, banner. Mọi thứ được thiết kế kiểu “plug-and-play” – cắm vào là chạy. Nếu muốn thêm chút “gia vị”, một số nền tảng như Shopify có phần chỉnh CSS/HTML nhẹ, nhưng không quá sâu.

  • Ưu điểm: Dễ dùng, nhanh gọn, không cần biết code. Có sẵn theme đẹp, tối ưu responsive (hiển thị tốt trên cả điện thoại lẫn máy tính).
  • Hạn chế: Bị giới hạn trong khuôn khổ theme. Muốn làm gì “độc lạ” quá (như thêm hiệu ứng bay lượn khi click sản phẩm) thì khó, vì hệ thống khóa bớt quyền can thiệp sâu vào code.

– Với Open Source, bạn có toàn quyền “vọc” giao diện vì mã nguồn nằm trong tay bạn. Bạn tải nền tảng về (như WooCommerce, Magento), cài lên hosting, rồi tùy chỉnh qua việc chỉnh sửa code (HTML, CSS, JavaScript, PHP). Có thể dùng theme miễn phí/phí làm điểm khởi đầu, nhưng nếu rành code hoặc thuê dev, bạn tha hồ xây giao diện từ A-Z. Muốn thêm nút, đổi bố cục, hay tạo hiệu ứng riêng? Chỉ cần biết cách “đụng” vào code là xong!

  • Ưu điểm: Linh hoạt gần như vô hạn. Bạn có thể làm giao diện đúng 100% ý mình, từ màu sắc, bố cục, đến hiệu ứng đặc biệt.
  • Hạn chế: Cần kỹ năng kỹ thuật hoặc thuê người làm. Tốn thời gian hơn, và nếu không tối ưu tốt, giao diện có thể nặng, load chậm, ảnh hưởng trải nghiệm khách hàng.

– Với giải pháp Custom build, mọi thứ được xây từ đầu bởi đội lập trình viên theo yêu cầu của bạn. Không có theme sẵn, không giới hạn bởi nền tảng nào cả. Bạn nói ý tưởng (như “tôi muốn giao diện 3D, khách xoay sản phẩm được”), đội dev sẽ code từ số 0, dùng công nghệ phù hợp (React, Vue.js, hay bất cứ framework nào). Tất cả từ bố cục, hiệu ứng, đến cách hiển thị đều được “may đo” cho riêng bạn.

  • Ưu điểm: Tùy chỉnh 100%, không giới hạn. Bạn muốn giao diện thế nào cũng được, miễn là có tiền và thời gian. Thích hợp cho các ý tưởng độc đáo, khác biệt hoàn toàn đối thủ.
  • Hạn chế: Đắt đỏ (hàng chục nghìn USD trở lên), tốn thời gian phát triển (vài tháng đến cả năm), và cần đội ngũ duy trì lâu dài.

Đối tượng khách hàng nhắm đến

Khách của bạn là ai, ở đâu, thích gì? Khách nội địa thích COD, khách quốc tế cần PayPal. Nền tảng phải đáp ứng thói quen mua sắm của họ.

  • Khách Việt Nam: Chọn SaaS trong nước (Haravan, Sapo) hoặc Shopee/Lazada – tích hợp COD, ship nội địa mượt.
  • Khách quốc tế: Shopify, BigCommerce với đa tiền tệ, cổng thanh toán như Stripe, PayPal.
  • Khách niche (ngách): Open Source hoặc Custom-built để tối ưu trải nghiệm riêng (ví dụ: bán đồ luxury cần giao diện sang trọng).

Khả năng mở rộng quy mô

Hôm nay shop nhỏ, mai doanh thu trăm triệu, ngày kia nghìn đơn/ngày – nền tảng phải “lớn” cùng bạn. Chọn cái không scale được thì sớm muộn cũng phải đổi, tốn công lắm!

  • Khởi đầu nhỏ, tăng trưởng chậm: SaaS như Shopify đủ sức “gánh” đến vài trăm đơn/ngày.
  • Dự đoán tăng trưởng nhanh: Open Source (Magento) để xử lý hàng nghìn đơn, tích hợp thêm tính năng khi cần.
  • Quy mô lớn, dài hạn: Custom-built để không lo “tắc nghẽn” khi traffic khủng hoặc thêm chi nhánh.

Top 5 nền tảng TMĐT phổ biến hiện nay

1. Shopify

Shopify là một nền tảng ecommerce thuộc loại SaaS (Software as a Service) phổ biến nhất hiện  nay.  Nó được thiết kế để giúp bất kỳ ai – từ người mới bắt đầu đến doanh nghiệp lớn – xây dựng và vận hành một cửa hàng online mà không cần biết nhiều về code hay kỹ thuật. Bạn chỉ cần đăng ký, trả phí tháng (từ $29), chọn giao diện, thêm sản phẩm, và bắt đầu bán.

Shopify hiện được hàng triệu người dùng trên toàn cầu tin tưởng, từ shop nhỏ bán đồ handmade cho đến các thương hiệu lớn như Tesla, Nestlé.

Những tính năng nổi bật

  • Quản lý sản phẩm
  • Giỏ hàng và thanh toán (Shopping Cart & Checkout) và hỗ trợ hơn 100 cổng thanh toán như Paypal, Stripe, 2Checkout.
  • Quản lý đơn hàng, cập nhật trạng thái đơn hàng với tính năng tích hợp với các đơn vị vận chuyển như USPS, FedEx, và cả tính năng xử lý hoàn tiền hủy đơn
  • Thư viện theme miễn phí và trả phí, cho phép chỉnh sửa đơn giản giao diện cửa hàng vẫn can thiệp sâu hơn với custom CSS/HTML
  • Các công cụ báo cáo, phân tích dữ liệu cũng như các công cụ SEO, marketing khác.

Ưu điểm của Shopify

  • Dễ sử dụng, không cần biết code, không lo hosting hay bảo mật
  • Thư viện đẹp, phong phú và chuyên nghiệp
  • Hệ sinh thái ứng dụng phong phú với hàng ngàn ứng dụng, đáp ứng mọi nhu cầu của người bán.
  • Hỗ trợ buôn bán cross-border tốt hơn: Đa tiền tệ, đa ngôn ngữ, tích hợp cổng thanh toán quốc tế.
  • Hỗ trợ mở rộng quy mô mượt mà: Từ shop nhỏ (Shopify cơ bản) đến doanh nghiệp lớn (Shopify Plus, giá từ $2000/tháng), nền tảng chịu tải tốt, không cần đổi hệ thống khi lớn lên.

Nhược điểm của Shopify:

  • Chi phí: Cao hơn một chút so với các nền tảng Open Source (WooCommerce miễn phí ban đầu) vì phải trả phí tháng ($29-$299) và phí giao dịch (0.5%-2% mỗi đơn nếu không dùng Shopify Payments).
  • Tùy chỉnh: Không linh hoạt bằng Magento hay Custom-built – bạn bị giới hạn trong theme và app, khó làm tính năng “độc quyền”.

>>> Tìm hiểu thêm về Shopify: Shopify là gì? Hướng dẫn chi tiết cách tạo cửa hàng với Shopify

2. Magento

Magento là một nền tảng ecommerce thuộc loại Open Source phổ biến, ra đời năm 2008 và hiện được Adobe sở hữu (phiên bản trả phí gọi là Adobe Commerce). Nó được thiết kế dành cho những ai muốn xây dựng cửa hàng online với khả năng tùy chỉnh cao, từ shop vừa cho đến doanh nghiệp lớn, nhưng đòi hỏi bạn phải rành chút kỹ thuật hoặc có đội IT hỗ trợ. Bạn tải mã nguồn miễn phí, cài lên hosting, rồi tự do “vọc” theo ý thích. Magento được hàng ngàn doanh nghiệp trên toàn cầu sử dụng, từ thương hiệu nhỏ đến “ông lớn” như Nike, Ford.

Những tính năng nổi bật

  • Quản lý sản phẩm: Thêm sản phẩm phức tạp với nhiều biến thể, thuộc tính (attributes), quản lý kho đa dạng.
  • Giỏ hàng và thanh toán (Shopping Cart & Checkout): Hỗ trợ nhiều cổng thanh toán như PayPal, Stripe, Braintree, tùy chỉnh quy trình checkout linh hoạt.
  • Quản lý đơn hàng: Cập nhật trạng thái đơn hàng, tích hợp vận chuyển (UPS, DHL, FedEx), xử lý hoàn tiền/hủy đơn mượt mà.
  • Tùy chỉnh giao diện: Theme miễn phí/phí có sẵn, nhưng bạn có thể chỉnh sửa sâu qua HTML, CSS, PHP để tạo giao diện độc quyền.
  • Công cụ báo cáo và phân tích: Báo cáo doanh thu, tồn kho, hành vi khách hàng chi tiết, tích hợp SEO và marketing (email, Google Ads).

Ưu điểm của Magento

  • Tùy chỉnh linh hoạt: Không giới hạn như SaaS, bạn có thể chỉnh giao diện, tính năng đúng 100% ý mình – hợp cho shop muốn “độc nhất vô nhị”.
  • Chịu tải tốt: Xử lý hàng nghìn đơn/ngày, traffic lớn, phù hợp doanh nghiệp vừa/lớn hoặc B2B phức tạp.
  • Miễn phí bản cơ bản: Không mất phí tháng như Shopify, chỉ tốn hosting (200k-1 triệu/tháng) và chi phí dev nếu cần.
  • Cộng đồng lớn: Hàng ngàn plugin/extension từ cộng đồng Open Source, đáp ứng mọi nhu cầu từ SEO đến vận chuyển.
  • Hỗ trợ scale mạnh mẽ: Dễ mở rộng kho, chi nhánh, tích hợp ERP/CRM khi doanh nghiệp phát triển.

Nhược điểm của Magento

  • Độ khó: Không thân thiện với người mới, cần biết code hoặc thuê dev để cài đặt, tùy chỉnh (khác với Shopify “cắm là chạy”).
  • Chi phí ẩn: Tuy miễn phí ban đầu, nhưng hosting xịn, bảo trì, và thuê dev có thể tốn từ vài triệu đến vài chục triệu.

3. WooCommerce

WooCommerce là một nền tảng ecommerce thuộc loại Open Source, thực chất là một plugin miễn phí tích hợp với WordPress. Ra đời năm 2011, nó được thiết kế để giúp bất kỳ ai – từ người mới đến shop vừa – xây dựng cửa hàng online với chi phí thấp và khả năng tùy chỉnh cao. Bạn chỉ cần cài WordPress, thêm plugin WooCommerce (miễn phí), chọn theme, và bắt đầu bán. Hiện WooCommerce được hàng triệu người dùng trên toàn cầu yêu thích, từ shop nhỏ bán đồ handmade đến các doanh nghiệp vừa như studio thiết kế, cửa hàng thực phẩm.

Những tính năng nổi bật

  • Quản lý sản phẩm: Thêm sản phẩm dễ dàng, hỗ trợ biến thể (size, màu), quản lý kho cơ bản hoặc nâng cao qua plugin.
  • Giỏ hàng và thanh toán (Shopping Cart & Checkout):Hỗ trợ nhiều cổng thanh toán như PayPal, Stripe, hoặc COD qua plugin, tùy chỉnh checkout đơn giản.
  • Quản lý đơn hàng: Theo dõi đơn hàng, cập nhật trạng thái, tích hợp vận chuyển (USPS, FedEx, GHN qua plugin), xử lý hoàn tiền/hủy đơn.
  • Tùy chỉnh giao diện: Thư viện theme miễn phí/phí từ WordPress, chỉnh sửa qua kéo-thả hoặc can thiệp sâu bằng CSS/HTML/PHP.
  • Công cụ báo cáo, phân tích và SEO: Báo cáo doanh thu, sản phẩm bán chạy cơ bản (nâng cấp qua plugin), tận dụng SEO mạnh mẽ của WordPress.

Ưu điểm của WooCommerce

  • Chi phí thấp: Miễn phí plugin, chỉ tốn hosting (200k-1 triệu/tháng) và theme (thường $50-$100), rẻ hơn nhiều so với Shopify.
  • Tùy chỉnh linh hoạt: Dùng code hoặc plugin để chỉnh giao diện, tính năng theo ý thích, vượt trội hơn Shopify nhưng không phức tạp như Magento.
  • Tận dụng WordPress: Kết hợp bán hàng với blog, tối ưu SEO dễ dàng, hợp shop ngách hoặc cần traffic từ Google.
  • Hệ sinh thái plugin phong phú: Hàng ngàn plugin miễn phí/phí (như Yoast SEO, Woo Shipping), đáp ứng từ dropshipping đến quản lý kho.
  • Dễ bắt đầu: Nếu bạn quen WordPress, setup shop chỉ mất vài giờ, không quá khó như Magento.

Nhược điểm của WooCommerce

  • Độ khó: Cần chút kiến thức kỹ thuật (cài hosting, bảo trì), không “cắm là chạy” như Shopify.
  • Scale hạn chế: Chịu tải kém hơn Magento hay Shopify Plus nếu traffic lớn, cần tối ưu hosting/dev để scale.

>>> Tìm hiểu Cách tạo cửa hàng bán POD trên WooCommerce từ A-Z

4. BigCommerce

BigCommerce là một nền tảng ecommerce thuộc loại SaaS (Software as a Service), ra đời năm 2009 tại Mỹ, được thiết kế để hỗ trợ từ shop nhỏ đến doanh nghiệp vừa và lớn xây dựng cửa hàng online mà không cần lo kỹ thuật. Bạn chỉ cần đăng ký, trả phí tháng (từ $29.95), chọn giao diện, thêm sản phẩm, và bắt đầu bán. BigCommerce được hàng ngàn người dùng trên toàn cầu tin tưởng, từ các shop khởi nghiệp đến thương hiệu lớn như Ben & Jerry’s, Skullcandy, nhờ khả năng tích hợp đa kênh và quản lý mạnh mẽ.

Những tính năng nổi bật

  • Quản lý sản phẩm: Thêm sản phẩm với biến thể (size, màu), quản lý kho dễ dàng, hỗ trợ danh mục lớn.
  • Giỏ hàng và thanh toán (Shopping Cart & Checkout): Hỗ trợ hơn 65 cổng thanh toán như PayPal, Stripe, Square, không tính phí giao dịch (khác Shopify).
  • Quản lý đơn hàng: Cập nhật trạng thái đơn, tích hợp vận chuyển với USPS, FedEx, DHL, xử lý hoàn tiền/hủy đơn mượt mà.
  • Tùy chỉnh giao diện: Thư viện theme miễn phí/phí, chỉnh sửa kéo-thả đơn giản, hoặc can thiệp sâu hơn qua CSS/HTML.
  • Công cụ báo cáo, phân tích và SEO: Báo cáo doanh thu, hành vi khách hàng chi tiết, tích hợp SEO, marketing đa kênh (Google, Facebook, Amazon).

Ưu điểm của BigCommerce

  • Không phí giao dịch: Khác Shopify (0.5%-2% mỗi đơn), BigCommerce không thu phí này, tiết kiệm chi phí khi doanh thu cao.
  • Tích hợp đa kênh mạnh mẽ: Dễ bán trên Amazon, eBay, Instagram, hợp shop muốn mở rộng kênh bán hàng.
  • Tính năng sẵn có: Nhiều công cụ built-in (SEO, báo cáo, bỏ giỏ hàng) không cần cài app ngoài như Shopify.
  • Hỗ trợ quốc tế tốt: Đa tiền tệ, đa ngôn ngữ, tích hợp thanh toán toàn cầu, phù hợp bán cross-border.
  • Scale hiệu quả: Chịu tải tốt, từ shop nhỏ đến doanh nghiệp lớn, không cần nhảy sang gói “Plus” như Shopify ($2000/tháng).

Nhược điểm của BigCommerce

  • Theme kém đa dạng: So với Shopify, thư viện theme ít phong phú và thẩm mỹ hơn.
  • Độ khó: Dễ dùng nhưng vẫn phức tạp hơn Shopify với người mới, cần thời gian làm quen.

Kết luận

Dù bạn là newbie hay “lão làng” trong ngành, việc chọn nền tảng e-commerce phù hợp với quy mô, ngành hàng, và túi tiền sẽ là bước đệm để shop online của bạn cất cánh. Đừng chần chừ nữa, hãy thử ngay một nền tảng như Shopify, WooCommerce, hay Magento – setup gian hàng, up sản phẩm, và bắt đầu chinh phục khách hàng thôi! Bạn đã sẵn sàng “bung” ý tưởng kinh doanh chưa? Cứ mạnh dạn thử, thành công đang chờ bạn phía trước!

is a senior writer at Merchize covering products, services, and consumer tech issues and trends. Previously, she was a content writer for trustworthy brands and International corporations. With her deep knowledge in multiple industries, Bich has become a professional writer and has chosen Merchize to explore eCommerce, MMO, and Print on Demand... In her free time, she loves reading, listening to music, and hanging out at cafes.