Trung bình, chỉ 1-4% khách hàng để lại đánh giá cho sản phẩm trên Amazon. Con số này tương đối thấp so với tỷ lệ đánh giá trung bình trên các nền tảng khác. Lí do là vì Amazon áp dụng các quy định nghiêm ngặt về đánh giá sản phẩm, hạn chế tối đa tình trạng giả mạo đánh giá. Điều này cũng có nghĩa là việc tăng số lượng đánh giá trở nên khó khăn hơn cho các doanh nghiệp.
Vậy, làm thế nào để cải thiện tỷ lệ này và nhận được nhiều đánh giá chân thực hơn cho sản phẩm của bạn? Bài viết này sẽ chia sẻ một số cách xin đánh giá được chấp nhận bởi nền tảng và có thể áp dụng để tăng lượt đánh giá trên Amazon.
1. Sử dụng nút “Request a Review” của Amazon
Amazon có tích hợp sẵn tính năng cho phép người bán gửi yêu cầu trực tiếp đến khách hàng để xin đánh giá. Tính năng này hoàn toàn miễn phí, an toàn và tuân thủ chính sách của Amazon, giúp giảm nguy cơ bị khóa tài khoản.
Để sử dụng tính năng này, bạn có thể thực hiện các bước sau:
- Đăng nhập vào tài khoản Amazon Seller Central của bạn.
- Truy cập tab Orders và chọn Manage Orders.
- Tìm đơn hàng cụ thể trong danh sách (đảm bảo đơn hàng đủ điều kiện, được giao trong vòng 4–30 ngày gần đây).
- Mở trang chi tiết đơn hàng và nhấp vào nút Request a Review.
Lúc này, Amazon sẽ tự động gửi email theo định dạng có sẵn đến khách hàng để xin đánh giá sản phẩm. Tuy nhiên, tính năng này chỉ cho phép gửi yêu cầu cho từng đơn một.
Đây là cách đơn giản và tiện lợi nhất để thu thập đánh giá từ khách hàng. Với tính năng này, bạn có thể:
- Tiết kiệm thời gian soạn thảo tin nhắn vì Amazon chỉ sử một mẫu sẵn.
- Tăng tỷ lệ mở email vì khách hàng thường ưu tiên email từ Amazon.
- Không tốn chi phí để yêu cầu đánh giá.
Tuy nhiên, tính năng này cũng có một số hạn chế:
- Quy trình thủ công: Bạn phải thực hiện từng đơn hàng một, tốn thời gian nếu số lượng đơn lớn.
- Hạn chế tùy chỉnh: Không thể cá nhân hóa nội dung tin nhắn.
- Không đảm bảo có đánh giá: Khách hàng không bắt buộc phải để lại đánh giá.
2. Tham gia chương trình Amazon Vine
Amazon Vine là một dịch vụ hỗ trợ tạo đánh giá được cung cấp bởi chính Amazon. Trong khi tính năng Request a Review chỉ giúp bạn xin đánh giá từ những khách hàng đã mua sản phẩm, chương trình Vine cho phép bạn tìm kiếm những đánh giá chân thực từ các Vine Voices – những người mua được Amazon lựa chọn dựa trên lịch sử viết đánh giá chất lượng.
Người bán sẽ cung cấp sản phẩm miễn phí cho Vine Voices để họ thử nghiệm và viết đánh giá trung thực.
Điều kiện tham gia chương trình Amazon Vine:
- Người bán phải tham gia chương trình Brand Registry và sở hữu tài khoản bán hàng chuyên nghiệp.
- Sản phẩm của bạn phải:
- Có dưới 30 đánh giá.
- Mới và sẵn có để bán.
- Có giá ít nhất $15 (hoặc tương đương).
- Đảm bảo có đủ hàng tồn kho để cung cấp cho Vine Voices (tối đa 30 đơn vị/sản phẩm).
- Không thuộc danh mục bị hạn chế (như rượu, sản phẩm người lớn, v.v.).
Chương trình này giúp bạn thu thập các đánh giá chi tiết và đáng tin cậy từ những người dùng thật, từ đó tăng uy tín cho sản phẩm. Tuy nhiên, chương trình cũng có một số hạn chế như:
- Chỉ dành cho người bán đã đăng ký thương hiệu.
- Bạn phải chi trả phí tham gia và cung cấp sản phẩm miễn phí.
- Giới hạn 30 đánh giá cho mỗi mã ASIN.
- Có thể nhận đánh giá tiêu cực nếu sản phẩm không đạt yêu cầu.
- Thời gian đánh giá có thể kéo dài.
3. Gửi email tự động qua các ứng dụng bên thứ ba
Bên cạnh các tính năng của Amazon, bạn có thể sử dụng các công cụ như FeedbackWhiz, Jungle Scout, Helium 10, và AMZFinders để tự động hóa quy trình yêu cầu đánh giá. Các công cụ này cung cấp:
- Email tự động qua hệ thống nhắn tin của Amazon.
- Mẫu email yêu cầu đánh giá.
- Theo dõi đánh giá và cảnh báo khi có đánh giá mới.
- Phân tích xu hướng phản hồi.
4. Gửi lời nhắn trong packing insert
Thời điểm tốt nhất để ngỏ lời xin review khách hàng chính là khi họ vừa nhận được gói hàng. Bạn có thể đình kèm trong mỗi gói hàng tấm thiệp nhỏ có chứa lời cảm ơn cũng như nhắc nhở khách hàng để lại đánh giá nếu họ hài lòng.
Bạn cũng có thể thêm mã QR dẫn trực tiếp đến trang đánh giá, giúp khách hàng dễ dàng thao tác hơn. Tuy nhiên, tuyệt đối không nên đưa ra ưu đãi để đổi lấy đánh giá từ khách, vì điều này vi phạm chính sách của Amazon.
5. Tận dụng mạng xã hội của bạn
Nếu thương hiệu của bạn đã có một lượng người theo dõi ổn định trên mạng xã hội, đừng bỏ lỡ cơ hội này. Bạn có thể tận dụng sự hiện diện và lượng người theo dõi trên các nền tảng mạng xã hội để kêu gọi đánh giá và nhận phản hồi từ khán giả của mình.
Người theo dõi trên mạng xã hội thường bao gồm cả những khách hàng từng mua và yêu thích thương hiệu của bạn. Vì thế, đừng bỏ qua lượng khách hàng này. Hãy cho họ biết rằng ý kiến của họ vô cùng quan trọng đối với thương hiệu!
Cách này không chỉ giúp bạn kết nối với khách hàng mà còn khai thác sức mạnh của mạng xã hội để thu thập các đánh giá chân thực và trung thực cho sản phẩm.
Tất nhiên, việc quảng bá trên mạng xã hội sẽ không trực tiếp thúc đẩy số lượng đánh giá sản phẩm. Đừng trông đợi số lượng đánh giá tăng đột biến chỉ sau một bài đăng kêu gọi. Tuy nhiên, mưa dầm thấm lâu. Việc lặp lại thông điệp này sẽ giúp khách nhớ đến bạn và để lại những đánh giá tích cực trong tương lai.
Đánh giá nào không được Amazon chấp nhận?
Theo chính sách đánh giá khách hàng của Amazon, các loại đánh giá sau đây sẽ không được phép và sẽ bị xóa:
- Đánh giá từ một người có lợi ích tài chính trực tiếp hoặc gián tiếp với sản phẩm.
- Đánh giá từ một người được cho là có mối quan hệ cá nhân thân thiết với chủ sở hữu, tác giả, hoặc nghệ sĩ của sản phẩm.
- Đánh giá từ nhà sản xuất sản phẩm, giả danh làm người mua hàng khách quan.
- Nhiều đánh giá tiêu cực cho cùng một sản phẩm từ một khách hàng.
- Đánh giá để đổi lấy phần thưởng bằng tiền.
- Đánh giá trò chơi để đổi lấy tín dụng trong trò chơi.
- Đánh giá tiêu cực từ một người bán đối với sản phẩm của đối thủ cạnh tranh.
- Đánh giá tích cực từ một nghệ sĩ đối với album của đồng nghiệp để đổi lấy đánh giá tích cực từ người đó.
Các chính sách này nhằm đảm bảo rằng các đánh giá vẫn giữ được tính chân thực, khách quan và hữu ích cho người mua sắm. Là một người bán, bạn nên tuân thủ quy tắc để tránh việc cửa hàng bị Amazon cấm:
- Không đăng đánh giá cho sản phẩm của chính bạn hoặc yêu cầu nhân viên, gia đình, hoặc bạn bè làm điều đó.
- Không cung cấp các ưu đãi như tiền, giảm giá, sản phẩm miễn phí, hoặc bất kỳ phần thưởng nào để đổi lấy đánh giá.
- Không đăng đánh giá tiêu cực cho sản phẩm của đối thủ cạnh tranh.
- Không thuê dịch vụ bên thứ ba hoặc cá nhân để viết đánh giá giả mạo cho sản phẩm của bạn.
- Không gửi nhiều đánh giá cho cùng một sản phẩm.
Thay vào đó, bạn cần tập trung vào việc cung cấp các sản phẩm chất lượng cao và dịch vụ khách hàng xuất sắc để nhận được các đánh giá chân thực.
Tại sao đánh giá quan trọng?
Đánh giá đóng vai trò then chốt trong quá trình ra quyết định mua hàng. 91% người tiêu dùng đọc đánh giá trước khi mua sắm trực tuyến, và gần một nửa (45%) sẽ không mua một sản phẩm nếu sản phẩm đó không có đánh giá. Những con số này cho thấy sức mạnh to lớn của đánh giá. Nhưng tại sao chúng lại quan trọng đến vậy? Hãy cùng tìm hiểu.
Xây dựng niềm tin và sự tín nhiệm
Bạn có muốn bước vào một nhà hàng vắng vẻ, không có khách hàng nào đang ăn không? Câu trả lời có lẽ là không.
Đó cũng chính là cảm giác của khách hàng khi lướt đến một sản phẩm không có bất kì đánh giá nào. Review trong thế giới thương mại điển tử chính là minh chứng rằng những người khác cũng đã thử, hài lòng với sản phẩm.
Điều này đặc biệt đúng với khách hàng mới. 71% khách hàng cho biết, số lượng đánh giá cao—đặc biệt là các đánh giá gần đây—cực kì quan trọng khi họ xem xét một thương hiệu hoặc sản phẩm lần đầu tiên.
Đối với người mua, niềm tin là “tiền tệ”. Họ muốn có sự đảm bảo rằng mình đang đưa ra một quyết định thông minh. Mỗi đánh giá, dù tích cực hay có chút phê bình, đều giúp tạo niềm tin ở khách hàng rằng sản phẩm của bạn đáng để mua và trải nghiệm.
Hơn nữa, việc nhìn thấy sản phẩm có nhiều đánh giá cũng sẽ thôi thúc chính khách hàng để lại đánh giá và ý kiến riêng của mình về sản phẩm, tạo ra “vòng lặp phản hồi” giúp bạn có thêm nhiều review uy tín hơn.
Cải thiện thứ hạng trên Amazon
Thuật toán tìm kiếm của Amazon cũng xem xét đến số lượng đánh giá khi xếp hạng sản phẩm. Những sản phẩm có lượng đánh giá đều đặn thường được xếp hạng cao hơn. Tại sao? Vì đánh giá thể hiện mức độ phổ biến, sự liên quan, và nhu cầu của sản phẩm.
Đó là một vòng lặp: thứ hạng cao hơn đồng nghĩa với khả năng hiển thị tốt hơn, dẫn đến nhiều doanh số hơn, và nhiều doanh số hơn lại kéo theo nhiều đánh giá hơn. Hãy xem đánh giá như một bàn đẩy cho chiến lược SEO Amazon của bạn.
Giảm tỷ lệ hoàn trả
Bạn đã bao giờ thất vọng vì một sản phẩm trên ảnh trông rất đẹp, xịn nhưng trên thực tế lại không được như trên ảnh? Đánh giá chân thực giúp khách hàng có hình dung đúng đắn về sản phẩm. Họ sẽ biết được chính xác những gì họ sẽ nhận được và tránh khỏi cảm giác thất vọng khi nhận hàng.
Khi thực tế đáp ứng được đúng kì vọng, tỷ lệ hoàn trả sẽ giảm. Tỉ lệ hoàn trả thấp nghĩa là khách hàng hài lòng hơn và chi phí bạn bỏ ra cũng thấp hơn. Đánh giá không chỉ giúp bán sản phẩm mà còn giúp bạn tối ưu được lợi nhuận.
Phản hồi để cải thiện
Thông qua đánh giá sản phẩm, bạn cũng có thể hiểu hơn về suy nghĩ và mong muốn của khách hàng. Đó không chỉ là lời nhận xét mà còn là phản hồi chân thành dành cho sản phẩm.
Hãy tận dụng cơ hội này để hiểu rõ khách hàng và cải thiện sản phẩm của bạn. Khắc phục những gì chưa ổn. Phát huy những điểm được yêu thích. Những doanh nghiệp biết lắng nghe đánh giá không chỉ tạo ra sản phẩm tốt hơn mà còn xây dựng lòng trung thành từ những khách hàng cảm thấy được lắng nghe.
Thu hút lưu lượng truy cập bên ngoài
Đánh giá tích cực khiến sản phẩm của bạn trở nên hấp dẫn đối với các influencer, blogger, và đối tác tiếp thị liên kết—những người đang tìm kiếm sản phẩm đáng tin cậy để giới thiệu cho khán giả của họ.
Bạn cần bao nhiêu đánh giá sản phẩm trên Amazon?
Số lượng đánh giá trung bình của một sản phẩm trên Amazon là khoảng 40. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của PowerReviews, đa số khách hàng (65%) muốn thấy ít nhất 50 đánh giá để quyết định có mua sản phẩm hay không. Một phần tư người tiêu dùng thậm chí mong muốn thấy ít nhất 500 lượt đánh giá khi mua hàng.
Nghiên cứu cũng cho thấy số lượng đánh giá cần để có thể thấy được sự tăng trưởng đáng kể về tỷ lệ chuyển đổi có sự khác biệt tùy theo danh mục. Ví dụ, đối với sản phẩm đồ chơi, 251 đánh giá có thể tăng tỷ lệ chuyển đổi lên 456%, trong khi cùng số lượng đánh giá chỉ giúp tăng 70.9% tỉ lệ chuyển đổi trong danh mục Điện tử.
Độ dài lý tưởng cho một đánh giá trên Amazon là bao nhiêu?
Độ dài trung bình của một đánh giá trên Amazon là khoảng 212 ký tự. Tuy nhiên, độ dài trung bình này có thể thay đổi tùy theo danh mục sản phẩm.
Ví dụ, sản phẩm nội thất có độ dài đánh giá trung bình là 301,27 ký tự, trong khi sản phẩm thời trang chỉ có độ dài đánh giá trung bình là 187 ký tự.
Đánh giá lý tưởng trên Amazon nên có số sao bao nhiêu?
Xếp hạng trung bình của các đánh giá trên Amazon là 4,23 sao. Tuy nhiên, tiêu chuẩn này cũng có thể khác nhau tùy thuộc vào từng danh mục sản phẩm.