USP là gì? Cách tạo USP cho sản phẩm in theo yêu cầu

USP là gì? Cách tạo USP cho sản phẩm in theo yêu cầu

Print on Demand (POD) đang ở thời kỳ phát triển bùng nổ nhất và tất nhiên sự cạnh tranh cao là điều bất kỳ Seller nào cũng phải đối mặt khi tham gia thị trường này. Chính vì vậy, để nổi bật hơn đối thủ cạnh tranh chỉ với một thiết kế đẹp là chưa đủ. Hàng ngàn người bán đang cung cấp sản phẩm tương tự với cùng kiểu áo, cùng chất liệu, thậm chí cùng ý tưởng thiết kế. Vậy, làm sao để khách hàng nhớ đến bạn và chọn mua sản phẩm của bạn? 

Câu trả lời là USP (Unique Selling Proposition) hay còn gọi là điểm bán hàng độc đáo. Vậy USP là gì? Làm thế nào để tạo USP cho sản phẩm in theo yêu cầu của bạn? Chúng tôi sẽ giải đáp tất cả những câu hỏi này trong bài viết ngày hôm nay! 

USP là gì?

USP là gì?

USP là viết tắt của cụm từ Unique Selling Proposition hoặc Unique Selling Point được hiểu là điểm bán hàng độc nhất. Đây là khái niệm dùng để chỉ những yếu tố độc đáo và khác biệt giúp sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn nổi bật so với các đối thủ cạnh tranh. Trong kinh doanh trực tuyến, việc truyền tải USP một cách rõ ràng và nhanh chóng là chìa khóa quan trọng để thu hút sự chú ý và thúc đẩy hành vi mua hàng từ khách truy cập trên website của bạn.

Ngoài ra, các doanh nghiệp thường nỗ lực xây dựng USP nhằm thuyết phục khách hàng lựa chọn sản phẩm của họ thay vì chọn những nhà cung cấp khác trên thị trường. USP có thể là bất kỳ khía cạnh nào như chất lượng, giá cả, tính năng, dịch vụ hoặc bất kỳ giá trị nào khác mà sản phẩm/dịch vụ mang lại, miễn là điều đó khiến thương hiệu của bạn trở nên đặc biệt và hấp dẫn trong mắt người tiêu dùng.

Vai trò của USP trong Marketing

USP đóng vai trò vô cùng quan trọng trong marketing. Dù bạn kinh doanh trong bất kỳ lĩnh vực nào, bạn cũng cần xây dựng USP trước khi bắt đầu một dự án hoặc chiến dịch nào đó. Dưới đây là những lý do vì sao USP lại cần thiết đến vậy:

Xây dựng và định vị thương hiệu

Đối với những doanh nghiệp mới đang trong quá trình xây dựng thương hiệu thì USP chính là công cụ mạnh mẽ giúp họ khẳng định vị thế trên thị trường. Bên cạnh đó, nó cũng định hình tính cách, giá trị cốt lõi, hình ảnh của thương hiệu trong mắt khách hàng như: bạn cung cấp sản phẩm/dịch vụ gì?, bạn có thể giải quyết vấn đề gì?… Qua đó, khách hàng có thể ghi nhớ, phân biệt thương hiệu của bạn so với đối thủ cạnh tranh và thúc đẩy hành động mua hàng hiệu quả. Đặc biệt là trong tiếp thị trực tuyến, USP giúp bạn nổi bật và không bị hòa lẫn hay lãng quên giữa vô vàn sự lựa chọn khác.

Tạo lợi thế cạnh tranh

Trong một thị trường cạnh tranh khốc liệu, đặc biệt là ngành POD, nơi có số lượng người bán đông đảo cùng cung cấp một loại sản phẩm thì việc nổi bật giữa đám đông quyết định sự thành công của bạn. Vì vậy, USP đóng vai trò là trợ thủ đắc lực giúp sản phẩm/dịch vụ của bạn có được chỗ đứng cao hơn trong mắt người tiêu dùng. Nó không chỉ tạo sự khác biệt mà còn cung cấp lý do cụ thể cho khách hàng mua sản phẩm của bạn thay vì các lựa chọn khác. Đây là điểm mấu chốt giúp chuyển đổi mua hàng.

Tăng giá trị thương hiệu

Bằng cách xác định lợi ích cụ thể mà sản phẩm/dịch vụ đem lại sẽ giúp tạo lòng tin và trung thành của khách hàng đối với thương hiệu của bạn. Khi khách hàng cảm thấy có thể tin tưởng và nhận được giá trị từ sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp họ sẽ sẵn sàng chi tiền và quay lại mua hàng trong tương lai. 

Xác định và tối ưu chiến lược Marketing

Một USP rõ ràng không chỉ giúp doanh nghiệp nổi bật giữa thị trường cạnh tranh mà còn đóng vai trò như kim chỉ nam cho toàn bộ chiến lược tiếp thị. Khi xác định được điểm độc đáo và giá trị riêng biệt của sản phẩm hoặc thương hiệu, bạn sẽ dễ dàng định hình cách quảng bá, tạo nội dung và kết nối với khách hàng mục tiêu.

Ngoài ra, USP giúp doanh nghiệp tập trung nguồn lực vào đúng thông điệp cần truyền tải, từ đó tối ưu chi phí và nâng cao hiệu quả marketing. Thay vì rải ngân sách vào những chiến dịch lan man, bạn biết chính xác mình cần nói điều gì, nói với ai và nói như thế nào để tạo ra chuyển đổi.

Định giá lại sản phẩm

Nếu USP của sản phẩm/dịch vụ mang lại giá trị cao đáp ứng được vấn đề quan trọng của người mua, người bán hoàn toàn có cơ sở để định giá cao hơn mà vẫn giữ vững được vị thế trên thị trường.

Các đặc điểm USP cần có

Các đặc điểm USP cần có

Đọc đến đây chắc hẳn bạn đã biết USP của một sản phẩm chính là điểm độc đáo của sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Vậy USP cần có những đặc điểm nào? Hãy cùng tìm hiểu trong checklist dưới đây: 

  • Khác biệt rõ ràng: USP cần thể hiện điểm độc đáo làm cho sản phẩm/dịch vụ của bạn nổi bật hơn so với đối thủ. Đó có thể là một tính năng đặc biệt, cách làm riêng, hoặc lợi ích mà người khác chưa làm tốt. Tính độc đáo không nhất thiết phải là ý tưởng mới hoàn toàn, nếu người khác chưa làm hiệu quả, bạn vẫn có cơ hội để làm tốt hơn.
  • Đánh trúng nhu cầu khách hàng: USP nên tập trung vào điều khách hàng thật sự quan tâm, một mong muốn cụ thể hoặc vấn đề họ đang gặp phải. Nó cần cho khách hàng thấy rằng sản phẩm/dịch vụ của bạn mang lại giá trị đúng với điều họ đang tìm kiếm.
  • Dễ hiểu, dễ nhớ: USP phải thật đơn giản, rõ ràng và ngắn gọn để khách hàng dễ nhớ và truyền đạt lại cho người khác. Một thông điệp mạnh mẽ sẽ giúp bạn ghi dấu ấn trong tâm trí người mua và khiến họ chọn bạn thay vì người khác.

Cách tạo USP cho sản phẩm in theo yêu cầu

Với vai trò vô cùng quan trọng trong việc kinh doanh, mỗi doanh nghiệp cần tạo ra USP riêng biệt độc đáo của thương hiệu của mình. Dưới đây là 6 bước giúp bạn tạo ra một USP hoàn hảo:

Bước 1: Khắc họa chân dung khách hàng mục tiêu

Khắc họa chân dung khách hàng mục tiêu

Khi muốn kinh doanh trong bất kỳ lĩnh vực nào thì bạn cần vẽ ra được chân dung khách hàng mục tiêu của mình. Xác định rõ ràng sản phẩm/dịch vụ của bạn phục vụ cho đối tượng nào? Nhu cầu, sở thích, thói quen và kỳ vọng của họ khi sử dụng sản phẩm của bạn ra sao. 

Để làm được điều này bạn cần đầu tư thời gian và công sức để nghiên cứu, thu thập và phân tích dữ liệu dựa trên các bài khảo sát, phỏng vấn và thậm chí là tham khảo ý kiến của người thân và bạn bè một cách khách quan để hiểu rõ người mua đang tìm kiếm điều gì trong sản phẩm và dịch vụ.

Bước 2: Phân tích đối thủ cạnh tranh

Phân tích đối thủ cạnh tranh

Trong kinh doanh, cạnh tranh là điều không thể tránh khỏi. Vì vậy, bạn cần tìm hiểu kỹ cách đối thủ đang làm từ cách họ bán hàng, khuyến mãi, đến cách họ chăm sóc khách hàng. Những điều này sẽ giúp bạn có thêm ý tưởng để xây dựng một điểm khác biệt (USP) phù hợp và hiệu quả. Tuy học từ đối thủ là cần thiết, nhưng đừng sao chép y nguyên. Hãy nhìn vào điểm mạnh của họ và tìm cách làm tốt hơn theo cách riêng của bạn. Đồng thời, để ý những điểm họ còn thiếu sót, đó có thể là cơ hội để bạn làm khác đi và tạo lợi thế cho mình.
Hãy xem thị trường đang có những ai, họ đang cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ gì, ưu điểm và hạn chế ra sao. Nhờ đó, bạn sẽ tránh được việc “đi lại lối mòn" và tìm được cách để nổi bật hơn.
Bên cạnh đó, bạn cần nhớ rằng đừng cố giành lấy vị trí mà đối thủ đã có trong tâm trí khách hàng. Thay vào đó, hãy tạo cho mình một hướng đi riêng từ việc tạo ra một USP đủ khác biệt và có giá trị. Khi làm được điều này, bạn đã tiến gần hơn đến thành công.

Bước 3: Xác định điểm mạnh, giá trị cốt lõi của sản phẩm 

Xác định điểm mạnh

Thu thâp thanh tin từ nghiên cứu thị trường, tìm hiểu nhu cầu của khách hàng và phân tích đối thủ để xác định những yếu tố độc đáo mà sản phẩm/dịch vụ của bạn có. Đó có thể là những yếu tố về chất lượng, giá cả, dịch vụ hỗ trợ, tính năng độc đáo, quy trình sản xuất đặc biệt. Điều quan trọng là bạn phải tìm ra những khía cạnh mà bạn có thể làm tốt hơn hoặc độc đáo hơn đối thủ của bạn. 

Ngoài ra, USP cần phản ánh được giá trị cốt lõi của sản phẩm/dịch vụ của bạn mang lại cho khách hàng. Điều này có thể giải quyết được nhu cầu cấp thiết, một vấn đề quan trọng mang lại trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng mục tiêu.

Bước 4: Đơn giản hóa và rõ ràng

Không phải khách hàng nào cũng là chuyên gia hay có nhiều kiến thức về lĩnh vực kinh doanh của bạn nên một USP đơn giản, ngắn gọn và dễ hiểu là vô cùng cần thiết để lan tỏa thông điệp của bạn đến nhiều người hơn. Vì vậy, bạn cần đảm bảo USP của bạn không sử dụng các thuật ngữ quá phức tạp, nhiều nghĩa hay khó hiểu. Hãy chắc chắn rằng thông điệp của bạn có thể được truyền tải nhanh chóng và dễ nhớ.

Bước 5: Kiểm chứng với thị trường 

Kiểm chứng với thị trường

Sau khi tạo ra được USP cho sản phẩm & dịch vụ của mình, bạn cần kiểm tra phản ứng của thị trường. Để làm được điều này bạn cần thủ nghiệm USP này với một nhóm nhỏ khách hàng, lắng nghe phản hồi và đánh giá của họ về USP của bạn như thế nào và có thể cải thiện như thế nào. Những phản hồi này sẽ giúp bạn điều chỉnh và hoàn thiện USP của bạn theo thời gian. Đừng nóng vội, quá trình kinh doanh là lâu dài và bền bỉ, vì vậy hãy liên tục tìm ra USP thực sự phù hợp và có hiệu quả với doanh nghiệp của bạn.

Bước 6: Tích hợp với chiến lược Marketing

Khi có USP rõ ràng, hãy đảm bảo nó được phủ sóng trên tất cả các kênh tiếp thị của bạn từ các bài viết social, quảng cáo, blog, đến website, nội dung và các dịch vụ chăm sóc khách hàng. Nó sẽ là thông điệp chủ đạo xuyên suốt tất cả các hoạt động marketing của bạn. Chẳng hạn, nếu sản phẩm của bạn có chất lượng cao hơn nhờ vào chất liệu cao cấp, hãy nhấn mạnh điều đó trong USP như “Sản phẩm chất liệu đỉnh cao đem lại sự thoải mái vượt trội cho người mặc” hoặc “Thiết kế độc đáo, chất liệu cao cấp”.

Ví dụ về USP thành công

Canva – Empowering the world to design

Canva là một nền tảng SaaS thiết kế đồ họa trực tuyến phổ biến hiện nay. Các sản phẩm của Canva không chỉ đem lại sự tiện lợi mà còn mang đến sự linh hoạt và hiệu quả trong công việc Marketing và biến những ý tưởng sáng tạo thành hiện thực. Nhắc đến Canva chúng ta không thể không nhớ đến USP “Empower the world to design” – “Tạo sức mạnh thiết kế cho tất cả mọi người”. Họ tập trung vào việc đơn giản hóa quá trình thiết kế, giúp người dùng nhanh chóng tạo ra các nội dung hấp dẫn một cách dễ dàng mà không cần sử dụng các công cụ thiết kế phức tạp như Adobe Photoshop hay Illustrator. Nhờ vậy mà Canva đã khẳng định được vị trí của mình trên thị tường tạo lợi thế cạnh tranh và phát triển mạnh mẽ.

HubSpot – Grow better with HubSpot

HubSpot là một trong những nền tảng hàng đầu dành cho marketing và bán hàng, với thông điệp cốt lõi: Giúp doanh nghiệp phát triển hiệu quả và bền vững hơn. USP của họ tập trung vào việc mang đến một nền tảng “tất cả trong một", giúp doanh nghiệp dễ dàng quản lý marketing, bán hàng và chăm sóc khách hàng trên cùng một hệ thống. Nói cách khác, HubSpot không chỉ cung cấp phần mềm, họ trở thành một người bạn đồng hành giúp doanh nghiệp phát triển từng bước một.

Shopify – Anyone, anywhere, can start a business

Shopify là một nền tảng thương mại điện tử phổ biến trên toàn cầu với USP – “Anyone, anywhere, can start a business” có nghĩa là “Bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu, cũng có thể bắt đầu kinh doanh”. Cụm từ ngắn gọn này thể hiện được hoàn toàn vai trò của Shopify là giúp các doanh nghiệp xây dựng và phát triển trong thương mại điện tử. 

Các yếu tố chính trong USP của Shopify bao gồm: Cho phép bất kỳ ai cũng có thể xây dựng trang web thương mại điện tử mà không cần bất kỳ kiến thức lập trình phức tạp nào. Ngoài ra, họ cũng cung cấp tất cả các công cụ cần thiết để xây dựng và vận hành một cửa hàng trực tuyến hiệu quả.

VinFast – VinFast mãnh liệt tinh thần Việt Nam

VinFast là một thương hiệu xe hơi thuộc tập đoàn Vingroup, nổi bật là một tập đoàn Việt Nam kinh doanh đa lĩnh vực mang tự hào dân tộc Việt. Họ đã xây dựng USP “VinFast mãnh liệt tinh thần Việt Nam” dựa trên long yêu nước sâu sắc của người Việt. Với những chiếc ô tô 100% do người Việt làm ra, VinFast đã khẳng định vị trí trong ngành công nghiệp xe hơi toàn cầu, trở thành niềm tự hào dân tộc.  

Biti’s – Nâng niu bàn chân Việt

USP của Biti’s là “Nâng niu bàn chân Việt” được ra mắt lần đầu tiên cách đây hơn 20 năm đã gắn liền trong tâm trí và ký ức nhiều người Việt. Với các sản phẩm có thiết kế đẹp, phù hợp với xu hướng người tiêu dùng trong nhiều giai đoạn đem lại cảm giác êm ái và thoải mái khi sử dụng, Biti’s luôn cố gắng theo đổi thông điệp trong USP của mình. Những yếu tố đó đã tạo ra một thương hiệu giày quốc dân được người Việt ưu chuộng suốt nhiều năm cho đến thời điểm hiện tại. 

Tuy các ví dụ này không hoàn toàn liên quan đến lĩnh vực kinh doanh sản phẩm in theo yêu cầu, nhừng bạn hoàn toàn có thể áp dụng và rút ra bài học cá nhân để xây dựng USP hiệu quả cho thương hiệu của riêng mình. USP có thể đơn giản là thiết kế độc đáo, chất lượng in ấn vượt trội, thời gian giao hàng nhanh chóng, dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt, khả năng tùy chỉnh linh hoạt và sử dụng chất liệu thân thiện với môi trường. Tập trung vào các điểm khác biệt này sẽ giúp sản phẩm của bạn nổi bật hơn so với đối thủ cạnh tranh và thu hút khách hàng mục tiêu thúc đẩy hành động chuyển đổi tạo ra doanh thu. 

Chúng tôi hy vọng qua bài viết trên bạn có thể hiểu rõ hơn về USP và cách tạo ra USP độc đáo riêng biệt cho thương hiệu của mình. Hãy tiếp tục theo dõi các bài viết tiếp theo của chúng tôi để có được những kiến thức hữu ích về kinh doanh và bán hàng Print on Demand nhé!

Rin Nguyen is a Content Marketer at Merchize with over 3 years of hands-on experience in Print on Demand and more than 2 years of crafting engaging content for ecommerce blogs. My goal is to turn ideas into impactful stories and innovative solutions that elevate brands and engage readers.